Làm thế nào để học từ vựng tiếng Anh? (P2.)

Như phần 1 đã đề cập, để trả lời cho câu hỏi "Làm thế nào để có thể học tốt từ vựng?", chúng ta cần kết hợp 2 bước. Nếu thiếu đi sự chỉn chu của một trong hai thì đều dẫn đến sự không tối ưu:

  1. Ghi chép (take note) từ vựng: cần phải đầy đủ
  2. Ghi nhớ: cần phải lặp đi lặp lại

Bạn có thể xem lại bước thứ nhất về ghi chép ở đây tại Làm thế nào để học từ vựng tiếng Anh? (P1.). Bài này sẽ nói về kinh nghiệm của mình ở bước thứ 2: sau khi có các notes đầy đủ rồi thì làm thế nào để ghim những nội dung đó vào trí nhớ?

Phần 2. Cách ghi nhớ từ vựng

Mặc dù mình để tiêu đề của bước này là cách ghi nhớ từ vựng nhưng bạn có thể ứng dụng chung nguyên tắc và tips dưới đây để ghi nhớ các phần khác của tiếng Anh, thậm chí cho các môn học khác.

a. Nguyên tắc chung: lặp đi lặp lại, và cố gắng dùng luôn nếu có thể.

  • Lặp đi lặp lại
    Một trong những sai lầm lớn nhất của việc ghi nhớ thông tin chính là chỉ học 1 lần và hi vọng mình sẽ nhớ mãi mãi. Cũng phải đồng ý rằng có những mẩu thông tin như vậy nhưng đáng tiếc đó chỉ là số ít. Về cơ bản, để ghi nhớ thông tin (hay trong trường hợp này là từ vựng), mình thường tiếp xúc với thông tin đó nhiều lần và giữa các lần đều có sự ngắt quãng để thử thách trí nhớ của mình xem như thế nào (nhớ sai rồi sửa thì thường có ấn tượng hơn). Ngoài ra, dạy lại cho người khác thì sẽ dễ nhớ hơn. Nếu không có ai để dạy lại ngay lúc đấy thì tự diễn vậy :))

=> Tóm lại, mình sẽ học cùng 1 đề/từ/cấu trúc theo tần suất: sau buổi học/sau khi ghi chép > cuối tuần tổng ôn lại nội dung của tuần > giữa tháng tổng ôn lại nội dung của nửa tháng > cuối tháng tổng ôn lại nội dung của tháng > vài tháng lại lôi ra xem lại. Tất cả các lần đều thực hiện như đang giảng bài cho người khác.

Với cách như thế này, xác suất để mình ghi nhớ được thông tin khá cao. Nhìn có vẻ mất thời gian nhưng thực ra càng ở những lần sau thì tốc độ bạn ôn lại 1 đề/1 list từ càng ngắn vì đa số đều đã nhớ được rồi, cùng lắm chỉ rơi rớt vài nội dung khó hơn mà thôi. Cái này mình sẽ đưa ra giải pháp ở mục Đối với các từ khó.

  • Ứng dụng ngay
    Việc ứng dụng từ/cấu trúc vào phần nói hay viết có thể khiến bạn càng có ấn tượng hơn nữa với nó. Ngoài ra, chỉ có lúc thực sự sử dụng như vậy thì mới có giá trị, việc bạn ghi nhớ mới "bõ công" :)). Còn nếu không sử dụng thì đó mãi mãi chỉ là kiến thức chết, dạng "học vẹt" mà thôi.

b. Đối với các từ khó

Từ khó ở đây ý là khó nhớ nha. Có những từ nhìn dài nhưng học vài lần là nhớ luôn nhưng có những từ rất hay bị quên (từ nào thì còn tuỳ người hen). Đối với cấu trúc khó giải thích mà đa phần phải chấp nhận học thuộc, như phrasal verbs chẳng hạn, mình cũng  thấy tình trạng tương tự.

Có một số thủ thuật ghi nhớ dành cho các trường hợp này, nhưng ở đây mình sẽ chỉ nói cách thực sự hiệu quả với mình và với nhiều bạn mình đã hướng dẫn: nghĩ ra một đường link (câu chuyện/hình ảnh/phát âm...) để gán nghĩa tiếng Việt với từ tiếng Anh hoặc nghĩa đã biết với nghĩa chưa biết...

Ban đầu mình cần dùng những đường links này để nhớ những từ hay bị quên nhưng dần dà khi quen rồi thì không cần những đường links như vầy nữa. Cũng đừng lo việc đường links bạn nghĩ ra nghe vô lý hay như nào nhen, vì tất cả đều nằm trong đầu bạn mà, đâu có phải nói cho ai nghe :)), miễn kết quả là thông tin được ghi nhớ thôi.

Ví dụ 1. Giả sử mình cần nhớ nghĩa đầu tiên của từ vendor (n) là "người bán hàng rong" https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/vendor
Mình có thể liên tưởng cách phát âm /ˈvendər/ của từ này nghe na ná như từ "ven đường" trong tiếng Việt -> người bán ven đường -> người bán hàng rong.

Ví dụ 2. Giả sử mình cần nhớ nghĩa tính từ của từ novel (adj) là "mới mẻ" https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/novel_2
Mọi người thường biết từ novel dưới dạng danh từ, với nghĩa là "tiểu thuyết". Mình sẽ link sang dạng tính từ theo kiểu "tiểu thuyết thì cần tính mới mẻ (để thu hút người đọc)" -> nghĩa adj của novel là "mới mẻ".

Ví dụ 3. Giả sử mình cần nhớ nghĩa cụm phrasal verb drink up là cạn ly, uống hết cái gì https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/drink-up
Mình có thể liên tưởng đến hình ảnh uống mà ngửa cổ lên (up) hoặc dốc hẳn cốc/chén lên (up) -> uống được đến giọt cuối cùng -> uống hết.

Lưu ý một chút là với cùng 1 từ/cấu trúc thì mỗi người có thể nghĩ/dùng link khác nhau; link của bạn khác chưa chắc đã hợp logic của mình. Link gì thì link, miễn sao mình nhớ là được. Lưu ý hai chút là cách này chỉ nên dùng với các từ/cụm mà làm mãi mấy bước ở mục a. rồi mà vẫn quên thôi nha. Chứ từ nào cũng nghĩ link rồi nhớ link thế này thì cũng quá tải mất, với cả không khác gì "giết gà dùng dao mổ trâu" cả  :))

Hope this helps.

Cheers,
Trang